CÁC BÍ TÍCH GIA NHẬP KITÔ GIÁO

 

217.Việc gia nhập Kitô Giáo được hoàn tất bởi ba bí tích một lượt: Rửa Tội là bí tích mở màn cho đời sống mới; Thêm Sức là bí tích kiên cường đời sống mới này; và Thánh Thể là bí tích nuôi dưỡng người môn đệ bằng Mình Máu Chúa Kitô để họ được biến đổi trong Chúa Kitô. (1275)

 

 

BÍ TÍCH RỬA TỘI

 

218.“Bởi thế các con hãy đi tuyển mộ môn đồ nơi tất cả mọi dân nước, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ tuân giữ tất cả những gì Thày đã truyền cho các con” (Phúc Âm Thánh Mathêu 28:19-20). (1276)

 

219.Bí Tích Rửa Tội sinh hạ con người vào đời sống mới trong Chúa Kitô. Theo ý Chúa, bí tích này cần cho phần rỗi, như chính Giáo Hội cần cho phần rỗi, một Giáo Hội chúng ta gia nhập qua bí tích Rửa Tội. (1277)

 

220.Nghi thức chính yếu của bí tích Rửa Tội là ở việc dìm người lãnh nhận xuống nước hay đổ nước trên đầu họ, trong khi đó đọc lời kêu cầu Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. (1278)

 

221.Hiệu qủa của bí tích Rửa Tội, hay ơn ích của bí tích Rửa Tội, là một thực tại dồi dào bao gồm việc tha thứ nguyên tội cùng với tất cả mọi tư tội, việc được sinh vào một đời sống mới làm cho con người trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa, nên phần thể của Chúa Kitô và nên đền thờ của Chúa Thánh Thần. Chính nhờ việc lãnh nhận phép rửa này con người được tháp nhập vào Giáo Hội là Thân Mình của Chúa Kitô, và được tham dự vào chức linh mục của Chúa Kitô. (1279)

 

222.Bí tích Rửa Tội in vào linh hồn một dấu ấn thiêng liêng là tính chất không thể xóa bỏ, một tính chất thánh hiến con người lãnh nhận phép rửa để thực hiện việc phụng thờ Kitô Giáo. Bởi tính chất này mà bí tích Rửa Tội không thể được tái ban nhận (xem DS 1609 và DS 1624). (1280)

 

223.Những ai vì đức tin mà chết, những ai là dự tòng, và tất cả những ai, không hề biết đến Giáo Hội song tác hành theo ơn soi động, thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và cố gắng làm theo ý của Ngài, đều được cứu độ, cho dù họ không lãnh nhận bí tích Rửa Tội (xem Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, đoạn 16). (1281)

 

224.Từ rất lâu đời, trẻ em đã được phép lãnh nhận bí tích Rửa Tội, vì bí tích này là ân sủng và là qùa tặng của Thiên Chúa mà không đòi hỏi loài người phải có  công trạng gì cả; trẻ em được lãnh nhận bí tích Rửa Tội là nhờ ở đức tin của Giáo Hội. Việc tiến vào đời sống Kitô Giáo là con đường dẫn đến tự do chân thực. (1282)

 

225.Phụng vụ của Giáo Hội kêu gọi chúng ta hãy tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa đối với các trẻ em bị chết trước khi được lãnh nhận bí tích Rửa Tội, và cầu cho phần rỗi của các em. (1283)

 

226.Trong trường hợp cần thiết, ai cũng có thể làm phép rửa tội, miễn là họ có ý muốn thực hiện việc Giáo Hội làm và đổ nước trên đầu thụ lãnh nhân mà nói: ‘Tôi rửa tội cho người, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. (1284)

 

 

BÍ TÍCH THÊM SỨC

 

227.“Vậy khi các tông đồ ở Gialiêm nghe thấy miền Samaria đã lãnh nhận lời Chúa, các vị liền sai Phêrô và Gioan đến với họ; hai ngài đã tới và cầu nguyện cho họ để họ được lãnh nhận Thánh Linh; vì Thánh Linh chưa xuống trên một ai trong họ, mà họ mới chỉ lãnh nhận phép rửa nhân danh Chúa Giêsu thôi. Bấy giờ hai ngài đặt tay trên đầu họ và họ lãnh nhận Thánh Linh” (Sách Tông Vụ 8:14-17). (1315)

 

228.Phép Thêm Sức làm kiện toàn ơn Rửa Tội; Thêm Sức là bí tích ban Thánh Linh để chúng ta sống tình con cái Thiên Chúa sâu xa hơn, kết hợp với Chúa Kitô chặt chẽ hơn, gắn bó với Giáo Hội vững chắc hơn, nối kết với sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội thiết tha hơn, và giúp chúng ta làm chứng cho đức tin Kitô Giáo bằng lời nói kèm theo cả việc làm. (1316)

 

229.Như bí tích Rửa Tội, bí tích Thêm Sức in một dấu thiêng liêng hay một tính chất không thể phai nhòa vào linh hồn Kitô hữu; bởi thế, người ta chỉ có thể lãnh nhận bí tích này một lần duy nhất trong đời mình  mà thôi. (1317)

 

230.Giáo Hội Đông Phương ban bí tích Thêm Sức ngay sau bí tích Rửa Tội và trước khi cho lãnh rước Thánh Thể; truyền thống này đề cao tính cách hiệp nhất của ba bí tích gia nhập Kitô Giáo. Giáo Hội Latinh, qua vị giám mục, ban bí tích Thêm Sức cho  con người khi họ đến tuổi khôn, cho thấy việc bí tích này làm kiên cường mối liên kết trong giáo hội. (1318)

 

231.Người lãnh nhận bí tích Thêm Sức đạt đến tuổi khôn phải tuyên xưng đức tin, ở trong tình trạng ơn nghĩa Chúa, có ý lãnh nhận phép bí tích, và sẵn sàng lãnh nhận vai trò của người môn đệ làm chứng nhân cho Chúa Kitô cả trong cộng đồng giáo hội cũng như nơi các hoạt động trần thế. (1319)

 

232.Nghi thức chính yếu của Phép Thêm Sức là việc xức dầu thánh vào trán của người đã lãnh nhận bí tích rửa tội, (bên Giáo Hội Đông Phương còn xức dầu cả các giác quan khác nữa), cùng với việc đặt tay của vị thừa tác viên bí tích với những lời, theo lễ nghi Rôma: “Con hãy nhận lấy dấu ấn của tặng ân Thánh Linh”, hay theo lễ nghi Byzantine: “Dấu ấn của tặng ân Thánh Linh”. (1320)

 

233.Khi Phép Thêm Sức không được cử hành chung với Phép Rửa Tội thì một trong những cách biểu lộ việc liên kết với Phép Rửa Tội ở chỗ lập lại các lời hứa rửa tội. Việc cử hành Phép Thêm Sức trong Thánh Lễ làm nổi bật tính cách hiệp nhất của các bí tích gia nhập Kitô Giáo. (1321)

 

 

BÍ TÍCH THÁNH THỂ

 

234.Chúa Giêsu phán: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này sẽ sống muôn đời; … người nào ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì có sự sống đời đời và … được ở trong Tôi và Tôi ở trong người ấy” (Phúc Âm Thánh Gioan 6:51, 54, 56). (1406)

 

235.Thánh Thể là trung tâm và là tuyệt đỉnh của đời sống Giáo Hội, vì nơi Thánh Thể, Chúa Kitô liên kết với Giáo Hội của Người cũng như với tất cả mọi phần thể của Người bằng hy tế chúc tụng và tạ ơn Người hiến dâng lên Cha Người một lần vĩnh viễn trên cây thập giá; qua hy tế này, Người đổ các ơn ích cứu độ xuống trên Thân Mình của Người là Giáo Hội. (1407)

 

236.Thánh Lễ bao giờ cũng được cử hành với việc công bố Lời Chúa; việc tạ ơn Thiên Chúa là Cha về tất cả mọi ơn phúc Ngài ban, nhất là tặng ân Con Ngài; việc thánh hiến bánh và rượu; và việc tham dự vào tiệc phụng vụ bằng cách rước mình và máu Chúa. Những yếu tố này tạo nên một tác động tôn thờ duy nhất. (1408)

 

237.Thánh Lễ là việc tưởng niệm Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, tức là, tưởng niệm công cuộc cứu độ do Chúa Kitô thực hiện bằng đời sống, tử nạn và phục sinh của Người, một công cuộc được hiện thực nơi tác động phụng vụ. (1409)

 

238.Chính Chúa Kitô, vị thượng tế đời đời của Tân Ước, tác hành qua thừa tác vụ của các vị linh mục, là Đấng dâng hy tế Thánh Thể. Và cũng chính Chúa Kitô ấy, thực sự hiện diện nơi hình bánh và hình rượu, là của lễ hiến dâng nơi hy tế Thánh Thể. (1410)

 

239.Chỉ có các vị linh mục thụ phong thành hiệu mới được chủ sự Thánh Lễ và mới có thể thánh hiến bánh  rượu để trở nên Mình Máu Chúa. (1411)

 

240.Những dấu chính yếu của bí tích Thánh Thể là bánh miến và rượu nho, là những gì được lời kêu cầu Chúa Thánh Thần chúc phúc cũng là những gì được linh mục đọc các lời truyền phép của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly: “Này là mình Thày sẽ bị nộp vì các con… Này là chén máu Thày…”. (1412)

 

241.Việc bánh và rượu biến thể thành Mình và Máu Chúa Kitô được thực hiện là nhờ ở lời truyền phép. Chính Chúa Kitô sống động và vinh hiển đích thực, có thực và chính thực hiện diện nơi các hình bánh và rượu đã được truyền phép (xem Công Đồng Triđentinô: DS 1640; 1651). (1413)

 

242.Là một hy tế, Thánh Thể cũng được hiến dâng lên để đền tạ tội lỗi của kẻ sống và kẻ chết, cũng như để lĩnh được các ơn thiêng liêng và ơn đời này do Chúa ban. (1414)

 

243.Ai muốn rước lấy Chúa Kitô trong phần Hiệp Lễ phải ở trong tình trạng ơn thánh. Ai biết mình đang mắc trọng tội không được rước lễ trước khi lãnh ơn xá giải nơi bí tích thống hối. (1415)

 

244.Việc rước lấy Mình và Máu Chúa Kitô là việc làm tăng thêm mối hiệp nhất giữa người chịu lễ với Chúa, thứ tha các tội nhẹ, và giữ gìn họ khỏi mắc các tội trọng. Bởi việc nhận lãnh bí tích này thắt chặt các mối liên hệ đức ái giữa người chịu lễ và Chúa Kitô mà việc nhận lãnh ấy cũng củng cố mối hiệp nhất của Giáo Hội Nhiệm Thể Chúa Kitô. (1416)

 

245.Giáo Hội thiết tha khuyên tín hữu hãy Hiệp Lễ mỗi khi tham dự việc cử hành Thánh Lễ; Giáo Hội buộc họ phải rước lễ mỗi năm ít là một lần. (1417)

 

246.Bởi chính Chúa Kitô hiện diện trên bàn thờ một cách bí tích, mà Người phải được tôn kính bằng việc phụng thờ. “Viếng Thánh Thể là… một bằng chứng tỏ ra biết ơn, là một việc biểu lộ yêu thương, và là một phận vụ tôn thờ đối với Chúa Kitô của chúng ta” (Đức Phaolô VI, Thông Điệp Mầu Nhiệm Đức Tin, đoạn 66). (1418)

 

247.Khi bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Chúa Kitô đã ban cho chúng ta, ở nơi Thánh Thể, bảo chứng được hưởng vinh quang với Người. Việc tham dự Thánh Lễ bảo trì sức lực của chúng ta cho cuộc lữ hành trần gian, khiến chúng ta mong được sự sống trường sinh, và hiệp nhất chúng ta ngay lúc này đây với Giáo Hội trên thiên đình, với Rất Thánh Trinh Nữ Maria và với tất cả các thánh. (1419)